THƠ
XƯỚNG HỌA
Phương Hà &
Thi Hữu
Bến Ô Lâu
CHUYỆN TÌNH TRÊN BẾN Ô LÂU
Não nề cô lái bến Ô Lâu
Một mối tình si vạn thuở sầu
Gặp gỡ làm gì cho luyến nhớ
Đợi chờ chi thế để thương đau
Chàng đi biền biệt quên lời hẹn
Nàng ngóng mỏi mòn nén giọt châu
Đằng đẵng ba năm, lòng tuyệt vọng
Gieo mình xuống tận đáy sông sâu.
Phương Hà
BÀI
HỌA
NGANG TRÁI
Ngóng đợi tin người cũng khá lâu
Ai đan sợi nhớ để tim sầu?
Chia lìa bến hẹn tình dang dở
Ấp ủ câu thề dạ đớn đau
Thiếu nữ bồi hồi ôm chiếc áo
Mái chèo tức tưởi lụy dòng châu
Rì rào sóng gọi thuyền vô chủ
Thôi nhé linh hồn...hãy ngủ sâu!
Như Thu
Hồng nhan & Tri kỷ
Một chút tình si để khổ sầu
Hởi người con gái bến Ô Lâu
Hồng nhan bạc phận lời kim cổ
Tri kỷ tri âm nghĩa khắc sâu
Xót dạ kiếp người nghe não nuột
Cảm lòng nhân thế nhỏ dòng châu
Thương hoa,khắc khoải tàn hương sắc
Nuốt lệ thôi đành nén nỗi đau
Song MAI Lý Lệ
Ô LÂU TÌNH SỬ
"Đảo vận 4 vần"
Nước còn nức nở với sông sâu
Quê cũ lui về đẫm giọt châu
Xa giá chia lìa chôn não nuột
Cửu giai vĩnh biệt liệm thương đau
Tần phi tại vị lên song mã
Dương Thị* khi quân trảm vạc dầu
Bi sử thương tâm tình thục nữ
Muôn đời sóng tủi bến Ô Lâu
Lê Đăng Mành
*Bà Dương Thị Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài
nhân”, bậc chín. Bà được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo.
Khi trở thành phi tần của nhà vua rồi, Dương Thị Ngọt
được vua Thành Thái hết mực thương yêu và sủng ái
Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt
tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc ngắn xong, vua dạo một lượt qua các bà
phi, hỏi xem có đẹp không.
Bà nào cũng khen đầu vua đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã
không khen lại còn buột miệng bảo: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua nổi giận,
liền đem bỏ bà Ngọt vào nấu trong vạc dầu”.
Sau khi bà Ngọt chết, nhà vua vẫn cho làm lễ mai táng
bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với cái chết của
một bà hoàng phi.
Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi theo
đường sông về bên bến Ô Lâu, với làng quê yêu dấu của bà ở thôn Hội Kỳ, xã Hải
Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
-Nguyễn Thị Bích thứ phi của Vua Quang
Trung nguồn gốc từ họ Nguyễn ở làng Mỹ Chánh, tổng An Thơ, huyện Hải Lăng,
phủ Triệu Phong (nay thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng
Trị Bên bờ Ô Lâu).
BIỆT LY SẦU
Duyên tình hạnh ngộ,ngỡ bền lâu
Đỉnh núi mù sương lặng nguyệt sầu
Ngóng đợi canh trường nao dạ quẫn
Trông chờ ngõ thẳm buốt hồn đau
Phương người bước ruổi tan tầm chợ
Cố quận mơ về tái hợp châu
Đếm giọt thời gian màu bạc bẽo
Rơi vào thảng thốt đáy lòng sâu
Lý Đức Quỳnh
Tuyệt Tình Ca
Mòn mõi trông chờ đã quá lâu
Buồn ai biền biệt mắt đan sầu
Thẩn thờ sông vắng lòng thương nhớ
Ngơ ngẩn thuyền neo dạ khổ đau
Lủi thủi đêm tàn ôm tấm áo
Âm thầm trăng tỏ nhỏ dòng châu
Người đi quên lối ..tình vô vọng
Phận bạc buông mình , tủi nước sâu
Minh Thuý -Tháng 3 _2018
NHỚ BẾN Ô LÂU
Chôn chặt một đời tận đáy sâu
Ngàn năm còn nhớ bến Ô Lâu
Ngâm hoài chẳng rữa bầu huyết hận
Đốt mãi nào nào khô giọt lệ sầu
Say bả quên tình cay khóe hạnh
Ham vàng bỏ ngãi đắng dòng châu
Con đò đã thác cành đa rũ
Tình sử càng hoen khối khổ đau.
Phan Tự Trí
Tuyệt Vọng
Khách tình tưởng đẹp bến Ô Lâu.
Cô lái ngờ đâu vướng lưới sầu.
Quân tử hẹn hò trao tấm áo.
Thuyền quyên chờ đợi lạnh lòng đau.
Mùa xanh hờ hững mùa thay lá
Mắt biếc âm thầm mắt nhỏ châu
Tuyệt vọng chim trời bay mất hút.
Châu thân đành gửi nước dòng sâu.
Trần Lệ Khánh 17-3-2018.
HẸN HỜ…
Đằng đẵng ngóng chờ biết bấy lâu
Hận ai lỗi hẹn chất cung sầu
Cây Da, lòng nhẫn xeo niềm nhớ
Bến Cộ, tâm mòn nếm nỗi đau
Biền biệt kẻ đi mờ bóng nhạn
Héo hon người đợi cạn dòng châu
Ngày đêm sóng nước khua lời réo…
Ôm trọn mối hờn gửi đáy sâu
CAO BỒI GIÀ
NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU
Ngưỡng mộ danh người tự bấy lâu
Đài trang, tài sắc vướng cung sầu
Quân vương mê muội tình trăng gió
Hoàng hậu âm thầm kiếp khổ đau
Mây xám mịt mờ che vận nước
Lòng buồn chua xót đổ giòng châu
Trời xa, đất lạnh, đời cô phụ
Chôn mối u hoài dưới mộ sâu !
Thy Lệ Trang