THÔI THÌ...THÌ CỨ ĐƯỜI ƯƠI,TIÊU DAO RỪNG RÚ NỤ CƯỜI NGUYÊN SƠ..!CÁM ƠN CÁC BAN ĐÃ GHÉ THĂM,ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

MẶC XUÂN!

MẶC XUÂN!
Quên gói chút nồng dành hong tuổi hạc
Nhăn nheo đời nên rét cứa từng cơn
Kệ hiên ngoài gió quăng sương lác đác
Nhức nhối trùm xán xuống buổi già đông!


Chợt nghe bầy cá ho trồi bong bóng
Thắt quặn lòng gà trốn lạnh co ro
Chim trú đêm ngoài trời hắt bão lộng
Vạc u hoài gọi bạn thấm bơ vơ


Tùng hảo hán xanh reo đùa tuế nguyệt
Chuồn vô tư tung cánh giỡn làn đông
Trúc quân tử chẳng co vòi luồn cúi
Mai hạo phong ủ nhụy động càn khôn.


Dơi tung chăn mắt hé chừng buông võng
Én dập dìu bện sóng phía biển đông
Cưỡi mây về thưởng xuân cùng dệt mộng
Chuối giao mùa chẳng dám tiếu đông phong


Cho Mẹ nâng niu đùm bóng trời đất
Nếp ba trăng bốc thơm nhột cung hằng
Ấm gót tha hương lay hồn phiêu bạt
Giục hoa cỏ dậy cụng chén tương phùng


Biệt đông hiu hắt thềm phơi nắng mới
Đình cựu trống chiêng góp tiếng nghênh xuân
Chùa quê khoan nhặt rung hồi bát nhã
Bốn mùa ,sanh..diệt...mặc cuộc xoay vần !.


LĐM

Làng Tất Niên 25 tháng chạp!

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

UỐNG RƯỢU VỚI BỤI ĐỜI

 
UỐNG RƯỢU VỚI BỤI ĐỜI

Mới xỉn hôm qua nay còn lạng quạng,
Bằng hữu công viên mở mắt đã gầy sòng.
Bàn tay vẫy, uống cùng em, hảo hán,
Đệ huynh mà, từ chối cũng không xong.

Thằng kiếp trước chắc là con nhà võ,
Nên rành chiêu khoét vách leo tường,
Thằng “chà đồ nhôm”, thằng chuyên gia … móc bọc,
Thằng con đại gia mà chẳng chịu đến trường!
Ta trước chắc mua bằng tiến sĩ,
Nên bây giờ ba trợn thứ văn chương.

Dù huynh đệ áo quần lem luốc,
Mà hết mồi miếng cóc bẻ làm đôi.
Hơn bao kẻ dùng ma mưu quỷ chước,
Vì lợi danh mà chường mặt bôi vôi!

Kẻ bụng đói nên mới đi ăn cắp,
Kẻ không nhà nên đành ngủ công viên.
Nếu chẳng may gặp nhằm khi tổ trát,
Thì là ngày uống nước lã thay cơm.

Mặc huynh là ai, mặc đệ là ai,
Gặp giữa dòng đời ít trong nhiều đục.
Lại giữa chợ đời ít vinh nhiều nhục,
Rượu giang hồ mình cứ uống cho say.

Nhìn thằng đời mặt tròn mặt méo,
Mình uống đi, rồi cứ "xổ nho" tràn.
Huynh làm thơ, chửi thề cho rộng đường chữ nghĩa
Đệ bụi đời, cho thêm mạnh câu văn.

Kha Tiệm Ly
 
 

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Ô LÂU GIANG PHÚ!



Ô LÂU GIANG PHÚ!
Từ châu Hoan Châu Hóa-thiên di tạm dừng Chân
Đến Châu Rí châu Ô - lập nghiệp thôi tiếp bước
Chim đậu -đất lành xứ ô lâu
Người nương -suối ngọt miền sông nước

Trộm nghe,nên nay!
Kẻ Hậu Bối - Giam thân trích lục cùng miền xuôi
Bậc Tiền Nhân- Gợi ý sao tìm khắp mạn ngược.
Bao bận -Manh nha đứng chờ cung tay để nâng nghiên
Đôi phen-Thắc thỏm ngồi đợi dõi mắt mong mài mực.

Vẫn còn đó- Cây đa gió gom nghĩa ngày xưa
Mãi lưu đây-Bến cộ trăng gọi tình thuở trước.

Vinh quang thay!
Miền Câu Lãm - Bùi Dục Tài Tiến Sĩ khai khoa”1”
Xứ Vân Trình - Trần Văn Kỷ Trung thư phục quốc”2”
Làng Vĩnh Cố- Ngyễn Quang Vệ Uý đã tới vinh quang
Quê An Thơ –Lục Sự Hoàng Từ lui về tủi nhục.
Hào hoa Kẻ Vịnh -Thượng quan Nguyễn Đức Trứ giữ dạ thanh liêm
Lịch lãm An Thư- Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan gìn lòng chính trực”+”.

Không hẳn Nam tử- Bút tung phượng múa rồng bay
Mà còn Nữ lưu - Chữ động quần là áo lượt
Qua Mỹ Chánh - Lừng danh thứ thiếp “3”Quang Trung- một dạ thương nòi
Về Hội Kỳ - Ngát tiếng Cửu Giai “4” Thành Thái - chung lòng yêu nước.
Trang võ tướng- Đôi bờ còn tán tụng giỏi binh thư
Đấng văn quan-Muôn bến mãi biểu dương tài thao lược
Nơi hiểm trở- Quân Tây Sơn không ngại Đá giăng cồn
Chỗ khó khăn- Tướng Nguyễn Huệ chẳng tày Bà Đa vực.*

Thương kính quá!
Bờ Hà Lỗ - Thể phách Văn Sở Tướng Quân- đất gói oan khiên
Bến Ưu Điềm -Thuyền tang Tài Nhân Thị Ngọt-sóng trào sướt mướt”5”

Lẫm liệt thay!
Tráng liệt tử- Hồng Lô Tự Khanh vua Minh Mạng tặng phong
Nguyễn Tri Phương- Quân Kỳ Thạc Phụ đời Miên Tông ban tước « 6 »
Phò Mã- Kết duyên với công chúa Đồng Xuân
Nguyễn Lâm - Tử trận gìn non sông Tổ Quốc
Xã Chánh Lộc- Từ đường Phụ Tử muôn thuở khói bay
Làng Chí Long- Miếu mộ Đệ Huynh nghìn thu bia tạc.

Nghệ nhân Măc khách -Mỹ Xuyên còn nức tiếng tợ Kế Môn
Quân Tử Trượng phu- Phò Trạch mãi lừng danh như Đại Lược.

Nam Quảng Trị bao kẻ chợ- Mỹ Chánh Hà Lộc Kẻ Lạng Hà Lỗ Câu Nhi,AnThơ Phú Kinh Kẻ Văn Kẻ Vịnh sử xanh không quên,
Bắc Thừa Thiên bấy làng quê - Phước Tích Mỹ Xuyên Trạch Phổ Ưu Điềm Hòa Viện,Vĩnh An Vân Trình Phú Nông Điền Hương con đỏ còn thuộc. « 7 »

Thời Minh Mạng –Lừng danh An Thơ Nguyễn Đức Hoạt Thượng Thư Nguyễn Đức Tư Tri Phủ vọng tộc thế phiệt trâm anh,
Thuở Miên Tông- Vang tiếng Kẻ Vịnh Tri Phủ Nguyễn Đức Dĩnh Viên Ngoại Nguyễn Đức Giãn thế gia vương tôn đài các.

Đất Văn Qũy - công thần Nguyễn Văn Vịnh Tri phủ Viện Sỹ Hàn Lâm
Xứ Câu Nhi-Danh tướng Hoàng Tự Bôi Tam Phẩm Phụng Sắc Triều Mạc. « 8»
Làng cổ Phước Tích-Họa sư Lê Văn Miến màu đọng lung linh « 9»
Giáo xứ Kẻ Văn-Thánh đạo Lê Đăng Thị hương bay ngào ngạt « 10».
Đôi bờ Nam bắc- Cử nhân Tiến sĩ như lá lay bay
Hai dải Trị Thiên-Khanh Tướng công hầu tợ sương lác đác.

Uy nghiêm Phạm vũ-Gia trì khuya sớm ngân tiếng u huyền
Lồng lộng Giáo đường - Cầu nguyện chiều hôm lắng lời trầm mặc.
Cội nguồn sông suối - Hợp lưu cùng sóng nước quần tụ mênh mông
Mạng mạch Ô lâu - Chung thủy với Tam giang tương phùng bát ngát.

Ngẫm nay !
Mây vạn thuở- lang thang đổi săc giữa trời xanh
sóng muôn đời- lãng đãng thay màu bên nước bạc.
Ngày xuống- ngồi đong cuộc có-không
Sáng lên- đứng lường thời được mất.
Thô thiển - Đôi dòng tâm niệm tiếc thương
Bùi ngùi – mấy chữ lòng hoài cảm tác !

Mùa đông Giáp Ngọ
LĐM Phụng Bút

GHI CHÚ :
1- Câu Lãm:Bùi Dục Tài người đổ Tiến sỉ thời Vua Lê Hiển Tông, đây là vị tiến sỉ khai khoa của xứ Đàng Trong, Ông được thăng quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại
2- Vân Trình: Trần Văn Kỷ, người làng Vân Trình (tục gọi là làng Rào), tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa (nay thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tin dùng, phong đến chức Trung Thư Phụng Chính, tức chức quan chuyên lo việc dự thảo chính lệnh cho nhà vua.
3-Mỹ Chánh :Nguyễn Thị Bích-người vợ thứ hai của anh hùng Nguyễn Huệ - Hoàng Đế Quang Trung
4- Dương Thị Ngọt ở làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh ,Với vẻ đẹp đoan trang và phẩm hạnh cao quý, cô gái Dương Thị Ngọt đã trở thành “cửu giai tài nhân” của vị vua yêu nước Thành Thái. Được vua Thành Thái hết mực yêu thương và sủng ái, bà phi Dương Thị Ngọt đã không tránh khỏi sự ghen ghét, đố kỵ vẫn thường xảy ra ở chốn hậu cung mà kết cục là bà bị giáng tội khi quân và phải lãnh án hình xử chém. Tiếc thương ái phi Dương Thị Ngọt, vua Thành Thái đã cho cử hành tang lễ của bà theo nghi lễ của triều đình đối với một hoàng phi và dùng thuyền rồng đưa Linh cửu bà về Cặp bến Uu Điềm và đưa lên yên nghỉ tại quê nhà thân yêu ở thôn Hội Kỳ bên dòng Ô Lâu.
5- Tướng Ngô Văn Sở, một người có công đối với nhà Tây Sơn, nhưng không may bị tội, phải dìm xuống nước sông Hương cho đến chết, thi hài chôn ở gần chùa Linh Mụ. Sau đó hai năm, ông được triều đình phục chức và cho cải táng đưa ra chôn ở làng Hà Lỗ bên bờ sông Ô Giang.
*Địa danh đoạn Sông ở Hội Kỳ có tên:vực Bà Đa và Bãi Đá giăng.
6- Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân(1800), quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên công nghiệp lớn.
Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đề bạt ông hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các, hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ, năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.
Tháng 5 năm 1847, ông được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ "Quân kỳ thạc phụ", được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế)
Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.
7- Tên làng chữ đậm
8-Hoàng Bôi Người xã Câu Nhi, thôn Câu Lãm Hải Lăng!Triều Mạc ,được dự vào hàng 5 bậc tước,Quan vào hàng Tam Phẩm
9- Lê Văn Miến (1874-1943) là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, là hoạ sĩ đầu tiên ở Việt Nam.
10- Giuse Lê Đăng THỊ, sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị. Làm Cai Đội dưới thời vua Tự Đức, xử giảo ngày 24-10-1860 tại An Hòa, phong Chân Phước ngày 02-5-1909 do Đức Piô X, phong hiển thánh

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

HOA GIANG HỒ


HOA GIANG HỒ 
 
Đông ấy cũ rich như xưa
Kia mới toanh dậy như vừa tái sinh
Loay hoay trầm giữa lặng thinh
Chưa an cư đã chẻ mình long đong
Chống câu lục bát qua sông
Nửa đường tước vận phơi đông lạnh lùng
Phù sa bện cuộc tương phùng
Cá nhai bọt giỡn cho trùn ngẩn ngơ

Rác rều tỉnh vớt cơn mơ
Chung thân bè kết qua bờ thảnh thơi
Rong rêu sóng liếm tả tơi
Dập dềnh vô trụ rong chơi vô thường

Đông về giăng cụm tang thương
Ném lên thơ cõng đoạn trường chông chênh
Oằn vai kĩu kịt nhẹ tênh
Vuốt ve khốn đốn khều cành trăng trôi

Níu khúc phiêu bạt mù khơi
Gọi bèo* lữ thứ xanh bơi không nhà
Nổi trôi tánh trụ nõn nà
Phong trần tím nhụy biếc hoa giang hồ!


                                          LĐM
*Lục bình

Trên comment của https://banbexunau.wordpress.com:

banbexunau nói:
>>> Chào Mừng>>>
anh >> LÊ ĐĂNG MÀNH<<
Tác giả thứ 118 tham gia banbexunau

“Dập dềnh vô trụ rong chơi vô thường” – đó là hoa lục bình, loài “hoa giang hồ”.
“Vô trụ”, “vô thường” là từ nhà Phật. Mọi vật đều đổi thay qua ba giai đoạn sinh, trụ, diệt (sinh ra, tồn tại và mất đi), đó là ý nghĩa của vô thường. Hoa lục bình nổi trôi, dập dềnh là “vô trụ”, dòng nước trôi xuôi là “vô thường”. Tác giả dùng hình ảnh, tính chất của hoa lục bình để nói về một khái niệm nền tảng của Phật pháp là rất đạt.
Vẫn là lục bát, chén thì cổ nhưng lại chứa rượu mới cất thơm nồng.
Chống câu lục bát qua sông
Nửa đường tước vận phơi đông lạnh lùng
Lục bát trở thành bát nhã thuyền?
Người Quảng Trị, “xứ dân gầy”, nhưng văn chương thì phong phú. Lê Đăng Mành có nhiều đồng hương trên trang nầy.
Mời các bạn thưởng thức và bình thơ.
Cảm ơn người Hải Lăng đã góp mặt với banbexunau để cùng “viết cho nhau đọc”

    banbexunau
Hoàng Ngọc Xuân nói:
một nhân vật mới .Một gương mặt mới đến với bbxunau hay là một cánh hoa giang hồ đến với bạn bè mà câu thơ tứ thơ hay quá xá .chỉ mong rằng cánh hoa giang hồ lấy bbxunau làm bến đỗ thôi .mình chắc rắng sẽ có nhiều người sẽ chết mê chết mệt vì cánh hoa tím biếc này đấy
  1. MỸ LAN nói:
    Rất hay ! Làm một bài thơ lục bát giữ vần điệu nhưng ngôn ngữ sử dụng và ý mới mẻ thật khó , dễ bị nhàm chán thế mà anh Lê Đăng Mành đã cho thưởng thức một bài lục bát thú vị nói về kiếp sống của hoa lục bình . Giống kiếp phụ nữ tụi em quá hả nhà thơ .Hihi …Trôi lênh đênh và ” thân gái 12 bến nước , trong nhờ đục chịu ” …
  2. THY NGA nói:
    Đọc bài thơ và liên tưởng đến hoa lục bình và nghiệm được một điều có những vẻ đẹp mà ta chỉ có thể chiêm ngưỡng chứ không bao giờ sở hữu được !
    Thân phận của hoa lục bình đúng như tác giả đã đặt cho một tên mới là Hoa Giang Hồ , mong manh và trôi nổi khắp nơi . Ý thơ và lối ẩn dụ trong từng câu chữ cho hoa lục bình quá tuyệt vời .Cám ơn tác giả đã cho đọc bài thơ hay !
  3. Nẫu Xóm Cũ nói:
    @ Thơ viết về hoa lục bình
    Trên banbexunau đã có nhiều tác giả viết về hoa lục bình. Mới đây thôi, trong bài “Thương Nhớ Tình Đầu” Phan Bá Trình hoài niệm:
    Cánh lục bình theo dòng nước liu riu
    Gửi thương nhớ về phương trời vô định
    …..
    Dòng sông quê ơi! Lung linh màu hoa dại
    Chở dùm ta nỗi thương nhớ tình đầu
    Thuở xa xưa, chàng trai lưu dân phương Nam nào đó cũng gửi tâm tình với hoa lục bình:
    Hoa lục bình trôi riu ríu
    Anh thấy em nhỏ xíu anh thương ( ca dao)
    Search bằng GG với từ khóa “thơ hoa lục bình”, sẽ có ít nhất 18 bài thơ lấy tựa đề hoa lục bình, còn những bài thơ có từ hoa lục bình thì vô số. Hầu hết là nói về tình yêu, về thân phận bọt bèo trôi nổi.
    Lướt qua như thế để trở lại “Hoa Giang Hồ” của Lê Đăng Mành, mới thấy cái đằm thắm trong thơ anh cả về ý tưởng và ngôn ngữ.
    Rong rêu sóng liếm tả tơi
    Dập dềnh vô trụ rong chơi vô thường
    ………………….
    Nổi trôi tánh trụ nõn nà
    Phong trần tím nhụy biếc hoa giang hồ.
    Với tôi, chỉ cần bốn câu đó cũng đủ với hoa lục bình. Cảm ơn tác giả.
    NXC
  1. HỒNG TUYẾT nói:
    Hoa lục bình có màu tím nhạt , đẹp nhưng có lẽ vì cánh hoa mong manh quá nên không được con người nâng niu cắm vào những lẳng hoa như các loài hoa khác đành làm kiếp “Hoa giang hồ” anh Mành nhỉ ?
    Bài thơ anh viết hay quá , ẩn ý thật sâu xa dưới những ngôn từ anh sử dụng .
  2. TÂY THI nói
    Bài thơ hay quá . Thân phận hoa lục bình đã được tác giả thể hiện bằng những câu thơ với từ ẩn dụ thật độc đáo .
  3. Lưu Lãng Khách nói:
    Chống câu lục bát qua sông…Dập dềnh vô trụ rong chơi vô thường…Hay quá anh Mành ơi! Chúc mừng anh đã đến với BBXN. Chào thân ái!
    humichi nói:
    Bài thơ có những từ ” chất ” quá, sinh động, thoạt thấy bất cần, thấy ung dung, tự tại, nhưng lại chất chứa cả nỗi tâm tư chan chứa. Hình ảnh được miêu tả ẩn dụ một cách khéo léo, nhưng ý và hồn bài thơ vẫn đong đầy. Xin cảm ơn tác giả cho thưởng ngoạn một bài thơ hay. Chúc tác giả nhiều niềm vui và sức khoẻ. Xin tặng anh một chút tếu táo góp vui.( Bùi Duy Chinh)
    Ghẹo nguyệt
    Đêm lạnh làm thơ toan gửi Trăng
    Sáng tròn vành vạch bầu ngực căng
    Từ xa một đám mây vù đến
    Chớ đụng trinh nguyên ấy của Hằng
    Câu thơ lả lướt chưa rờ tới
    Mây giận nên che với vùng vằng
    Này anh thi sĩ xin đừng cố
    Nguyệt hẵng còn trinh chớ có xằng
    Trần Quốc Tiến nói:
    Chào anh Đăng Mành !!!
    Thương sao thân phận Lục Bình
    Lênh đênh lạc giữa bến tình nổi trôi
    Khác chi ta sống ở đời
    Đến khi nhắm mắt biết nơi nào về
    Một ngày rời chốn ..đam mê
    Giang hồ lặng một bến quê ..vô thường
    Họa cùng anh mấy vần lục bát làm quen anh nhé !!!
    Chúc anh luôn khỏe và sáng tác nhiều thơ hay !!!
     Phan Nho Thiện nói:
    Xin họa:
    Tím hoang rạc dưới mặt trời
    Gãy câu lục bát mù khơi giang hà
    Đổi màu một vạt Cà Sa
    Nghe câu mật chú la đà triêu tôn
    Bèo mây tan hợp sóng cồn
    Tạ tình tam muội đóa hồn phiêu linh
    Kiếp nào chấp ngã ba sinh
    Chênh vênh Kiến Tánh thác ghềnh cho ai?
    Ừ! Đi cho trọn lạc loài
    Cho giang hồ thú hoài thai phù bình!
      NỊ nói:
    Không ngờ hoa lục bình màu tím có cuộc sống mong manh trên sông được anh Lê Đăng Mành đặt tên là “Hoa giang hồ ” và viết những câu thơ có ý nghĩa thật sâu sắc .
    Hoa lục bình phiêu du khắp nơi , là hình ảnh của thân phận ” bèo dạt mây trôi ” , “long đong “nhưng mạnh mẽ , an nhiên , tự tại ….giữa dòng sông “rác rều , sóng dập …”
    Tất cả như gói gọn trong câu :
    “Dập dềnh vô trụ rong chơi vô thường ”
    Đôi khi con người cũng nuốn được sống một kiếp như câu thơ này của anh đó anh ạ !
    Anh viết rất hay , NỊ ngưỡng mộ .
    dã quỳ nói:
    Đúng vậy, cô Nị. Rong chơi ở cõi vô thường là hay nhất.
    Dầu là hoa sen cũng là một kiếp hoa, lại “thường trụ” trong ao, chờ người ta tới hái đem bán. Còn hoa lục bình cũng hương sắc thua gì ai, hễ có dòng nước là kết bè trôi xuôi trôi ngược, buồn thì tấp bến bờ nào đó, vui lại tiếp tục lãng du, mặc tình rong chơi sông nước…
    Đích thị là hoa giang hồ. Ngã nguyện như thử. Hay là thôi làm dã quỳ chuyển sang hoa lục bình…Cô Nị đồng ý không?
    HOÀNG HOA nói:
    Bài thơ gợi hình ảnh hoa lục bình lặng lẽ trôi theo con nước , từng cụm từng cụm ,có một đời sống và một sức chịu đựng, sản sinh mạnh mẽ vô tận.
    Tác giả đã rất tài tình khi diễn tả kiếp của hoa lục bình , thân phận nổi nênh , lãng du trên sông nước mênh mông .
    Nếu chọn cuộc sống như hoa lục bình và cuộc sống bon chen , xô bồ , giành giật thì anh Mành chọn cái nào . Cho em biết để em …theo ! Hihi…

             NGUYỄN HOÀI nói: 
    1. Thơ hay ! Cách dụng từ để thể hiện ẩn ý độc đáo , đọc nghe mà thấm thía kiếp ” bèo dạt mây trôi ” của hoa lục bình .
      Thích nhất câu này:
      ” Dập dềnh vô trụ rong chơi vô thường ”
      Cuộc đời là vô thường mà ta là vô trụ , cứ rong chơi với kiếp giang hồ phiêu bạt .
      Một nhành hoa lục bình trôi nổi mà chỉ có thi sĩ mới tưởng tượng ra những điều kỳ thú , lãng mạn đan xen thực tế trong từng câu chữ .



Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

THƠ ĐƯỜNG!




                                          TRÚC LÂM YÊN TỬ
ĐẠO THƠ THIỀN !

Ngán thay Tiến sỹ đạo thơ thiền
Học vị chi mà quá đảo điên
Lục bát đan vần thì lạc điệu
Thất ngôn kết chữ lại trôi niêm
Vọng cầu hào khí thêm trì trệ
Mơ tưởng nhân tâm tắt nhiệm huyền
Quảng bá chữ tuôn nhờ bút thánh
Xin ngừng tráo trở động non Yên*

                         Như Thị
* Yên Tử
                                              


NGƯỜI GIÀ!

Lom hom là bệnh của người già
Tiếc việc nên chi cứ xuýt xoa
Lúc trẻ thỏng tay vào giữa chợ
Chừ tra*cùm phận ở quanh nhà
Dặn con  nuôi chí thì hăm hở
Khuyên cháu chăn tâm phải vị tha
Trở lại hồn nhiên thời tuổi dại
Mới là thiện tánh của người già

                                Như Thị
*Tra :già

 
MỪNG THI PHẨM!

Quảng Trị tuy nghèo chẳng khó đâu
Đường thi Mai Phái hợp tâm đầu
Uy nghi khí phách trong năm vận
Lẫm liệt anh hùng ở tám câu
Cầu nguyện giang sơn luôn sáng tỏ
Tụng ca dấu ấn* mãi tươi màu
Quê nhà sảng khoái nâng lời tựa
Hợp phố ngóng chờ đón ngọc châu

                                   Như Thi

*"Những dấu ấn lịch sử"của tác giả Lê Ngọc Phái






















THƯƠNG!

 
THƯƠNG!
                        
Thương chiều cuốc ướp nỗi cô đơn
Thương nước ra khơi lạc cội nguồn
Thương kẻ sa cơ  không nuối tiếc
Thương người thất thế chẳng căm hờn
Thương anh vất vưởng bên đồi núi
Thương chị liêu xiêu giữa ruộng đồng
Thương phận lẻ loi nương xó chợ
Thương đời buông bỏ hết thua hơn!
                            Lê Đăng Mành
 BÀI HỌA
THƯƠNG

Thương ai lạnh lẽo mảnh chăn đơn
Thương nước gian nan trở lại nguồn
Thương kẻ xa quê sầu ngút nhớ
Thương người mất bạn lệ dâng hờn
Thương cha cắm mặt trong nhà máy
Thương mẹ còng lưng giữa cánh đồng
Thương bậu chung tình mòn mỏi đợi
Thương mình chiếc bóng, có gì hơn !
                                     Sông Thu


NHỚ!
                         
Nhớ về tóc bạc cảnh neo đơn
Nhớ lắm ơn cha mẹ suối nguồn
Nhớ mối tình đầu thôi cấy tủi
Nhớ nơi nghĩa tận hết gieo hờn
Nhớ con bướm lượn bên thềm mộng
Nhớ bóng cò chao giữa cánh đồng
Nhớ kẻ khó nghèo nương bị gậy
Nhớ người tri kỷ biết mô hơn!

                                Phan Tự Trí

NGHÈO
Nghèo mà giúp đỡ kẻ neo đơn
Nghèo cũng thương sông mến nhớ nguồn
Nghèo vẫn yêu đời không tạo oán
Nghèo luôn trọng đạo  chẳng gây hờn
Nghèo hay khổ sẻ người quê ruộng
Nghèo mãi bùi chia kẻ nắng đồng
Nghèo biết từ bi cùng bác ái
Nghèo nào tính thiệt với tranh hơn
                           Trần Ngộ 
BUỒN
Buồn ai phận mỏng xót thân đơn
Buồn kẻ vênh vang tội gốc nguồn.
Buồn vận tôi đoì thương đói khổ
Buồn dân bé miệng biết căm hờn.
Buồn đời bạc bẽo quên tình nghĩa
Buồn kiếp ngựa trâu nhớ cỏ đồng.
Buồn nước niềm tin lờ trỗi khúc
Buồn non nhũng nhiễu sợ nhiều hơn.
Hải Rừng
1/11/2014
 XÓT…

XÓT trẻ không nhà sống lẻ đơn
Xót ai viễn xứ biệt xa nguồn
Xót hồn lạc lõng ngàn thương tiếc
Xót mộ tàn hoang vạn tủi hờn
Xót vợ mong chồng canh gác biển
Xót con đợi bố giữ thôn đồng
Xót đời khốn khổ trôi dạt chốn…
Xót cảnh cơ hàn chẳng thịêt hơn

                          Cư-Nguyễn 
THƯƠNG LẮM MÀ  !
Thương ai đông giá áo chăn đơn
Thương quá neo theo hiểu ngọn nguồn.
Thương phận an bài nơi gạo hẩm
Thương hồn vơ vất cảnh duyên hờn.
Thương khơi ý chí sôi dòng máu
Thương giúp cần câu kiếm cá đồng.
Thương muốn sớm chiều mau khởi sắc
Thương nhìn đôi má thoáng hồng hơn .
                                Trần Như Tùng
        GIẬN
      Giận bọn vô luân hiếp phận đơn
      Giận quân tham nhũng hại quê nguồn
      Giận bè sâu mọt gây nghèo đói
      Giận lủ gian thương tạo oán hờn
      Giận nhóm vô lương lừa đất nước
      Giận phường vô đạo cướp nương đồng
      Giận ai gieo họa Ta bà khổ
      Giận thế thời nào dễ thiệt hơn!

                                        Hồ Trọng Trí