NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI”
TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH
Lời Bình Châu Thạch
Tôi đồng ý với
nhà thơ Luân Hoán khi ông nói: “nhà thơ bày tỏ lòng mình như trình diện một
nhân cách”. Tôi cũng đồng ý với nhà thơ Phạm Đức Nhì khi ông nói: “Nhân Cách
(viết hoa) của cái tôi đích thực sẽ kín đáo bước vào trong thơ và người đọc
tinh ý sẽ nhận ra ngay, đâu cần phải trình diện”. Với tôi, nhà thơ khi sáng tác
thì đã gởi hết cái tôi của mình vào tác phẩm, cho nên dầu không cố ý trình diện
cũng phải phô bày cái tôi đích thực của mình, nghĩa là tự nhiên trình diện nhân
cách với đời. Ta có thể hiểu như thế khi đọc “Chiều Đi” tập thơ của Lê Đăng
Mành. Ai biết lê Đăng Mành thì cũng cảm mến một thi sĩ tài hoa sống nhún nhường,
ẩn dật nơi vùng quê hẻo lánh. Không bao giờ có chuyện nhà thơ nầy muốn trình diện
nhân cách mình với đời. Tuy thế, ai đọc thơ lê Đăng Mành thì cũng cảm phục nhân
cách cao trọng được bày tỏ qua thơ anh mà tôi xin gọi là “nhân cách thơ Lê Đăng
Mành”. “Chiều Đi” là một tác phẩm văn dĩ tải tình, tải đạo, một thứ tình cao
thượng và một thứ đạo siêu thoát.
I)-Tải tình
cao thượng trong “Chiều Đi”:
Trong “Chiều
Đi” rất ít bài thơ viết về tình yêu nam nữ của riêng mình. Tác giả dành nhiều
tình yêu cho những thành phần chịu thiệt thòi trong xã hội. Ta hãy nghe nhà thơ
thổ lộ:
Thương đêm khắc
khoải lời ru
Thương tình rều
rác trầm phù đợi nhau
Thương người
cuốc bẩm cày sâu
Thương ong bướm
vỗ rách câu đa tình…!
(
Thương!)
Nhà thơ
thương cho Mẹ ru con trong nghịch cảnh, thương cho tình duyên ly tan phải đợi
chờ, thương cho người nông dân và thương cho những cuộc tình không thành. Nổi bật
trong các thứ tình yêu đó là tình “Thương người cuốc bẩm cày sâu” mà tác giả đã
bộc lộ cho người đọc hiểu thấu được nhân cách cao thượng trong thơ của mình.
Nhiều bài thơ trong “Chiều Đi” Tác giả viết về nhũng sinh hoạt của người nông
dân có truân chuyên, có gian khổ nhưng không với mục đích mô tả đời sống u ám
sau lũy tre Làng mà ngược lại, nhà thơ bày tỏ tấm lòng của mình với đời sống
đó, tôn vinh một cuộc sống thanh bần cao khiết:
Kiếp nông bần
uống rượu…cũng kiệm lời
Chẳng khoa
trương chuyện thương nòi yêu nước
Mà sử sách
ghi mỏi trang bốn ngàn
Chân lấm tay
bùn trí soi văn sách
Khoa bảng vọng
đồng văn thánh còn ngân.
(Tiệc
rượu giữa đồng!)
Xin trích một
phần nhận xét của nhà thơ Nhã My(USA) về thơ Lê Đăng mành như sau: “Nhưng cho
dù phong ba vùi dập, bão táp phủ lên quê nghèo và phủ lên cả thân phận con người
thì đối với tác giả lê Đăng Mành, với nhân cách và tâm trạng của một người từng
trải, sống an nhiên, bằng cái tâm, cái đạo, đạt lý thông tình, thơ anh không tủi
hờn ai oán, không than thân trách đời, không cầu kỳ mộng ảo. Dòng thơ anh luôn
giữ được sự điềm đạm, an nhiên sống hài hòa với cảnh vật thiên nhiên và trong
chiều hướng vươn lên bằng những hy vọng tốt đẹp hơn”. Thật vậy, đọc Lê Đăng
Mành ta không thương người nông dân với thứ tình yêu ban phát, bố thí mà qua
thơ ông ta tôn trọng người nông dân như những con người kiên cường, đức độ,
thâm thúy và tri thức. Lê Đăng Mành đã trình diện được chiều sâu trong tâm hồn
của lớp người nông dân trên ruộng đồng, sau lũy tre và bên Hiên Lãm Nguyệt, đem
đến cho ta sự chia sẻ, yêu thương và kính nể .
II) – Tải đạo
siêu thoát trong “Chiều Đi”
Trong bốn câu
thơ “Khai Lời” của tác giả ở trang đầu tập thơ “Chiều Đi” có hai câu thơ sau:
Thơ thong
dong dù phên bừng tơi tả
Cứ tiêu pha
cho hết cuộc yên hà…
Đọc hai câu
thơ nầy ta nghĩ đến một đạo sĩ sống vô vi, hòa nhập cùng trời đất. Thật vậy,
phong cách sống của Lê Đăng Mành ngoài đời và trong thơ giống nhau. Bên Hiên
Lãm Nguyệt nhà thơ tiêu pha tinh túy của đất trời vào thơ của mình và trong thơ
mình nhà thơ Lê Đăng Mành lại tải cho đời triết ly đạo Phật sâu xa về
siêu thoát. Với 146 bài thơ trong “Chiều Đi” tư tưởng Phật giáo hầu như lồng
vào trong bất cứ bài thơ nào. Khác với những bài thơ Thiền của đa số Thi Sĩ hay
Tu Sĩ, thường dùng từ ngữ khó hiểu, ý tứ bí hiểm, đề cao tư duy của mình như tư
duy thần thánh, thơ Lê Đăng Mành chữ nghĩa giản dị, chân phương, không trừu tượng,
ít ẩn dụ, khiến cái tư duy bác học của mình thành thơ , truyền tải thẩm thấu
vào hồn người đọc. Chất lãng mạn, chất cao siêu trong thơ Lê Đăng
Mành làm cho người thâm Nho, người hiểu Phật hay người bình thường đều đọc được
thơ, cảm xúc được với hồn thơ và sự giác ngộ đến tự nhiên trong tâm linh mỗi
người. Ta hãy nghe chất lãng mạn trong vài câu thơ của bài thơ “Hoa Đăng”: “Đỉnh
rằm ánh tỏa muôn nơi/ Rủ rơm vàng nhả thơm rơi quanh Làng”, “Giọt cười lấp lánh
mắt sương/ Cá tung tăng vẫy hớp đường phóng sanh”, “Mừng khánh đản nụ tâm nhiên/Đăng
khai bát nhã tịnh yên xóm làng”. Qua những câu thơ trên ta thấy lễ Phật Đản
không náo nhiệt ồn ào mà êm ái, thơ mộng trong cảnh quê và trong cả tâm hồn con
Phật. Và ta hãy nghe lời thuyết pháp nhẹ như bông hồng:
Mặt trời cần
mẫn thức
Hành tinh mãi
mãi xanh
Sân trước
cành mai nở
Cầu pháp giới
an lành
Chúng sanh
đón bình minh
Muôn mùa xuân
miên viễn
Tâm bình thế
giới bình
Tự tại bước
an nhiên.
( Tâm Bình Thế
Giới Bình)
Một triết lý
cao siêu nhiệm mầu được Lê Đăng Mành trình bày bằng những câu dễ hiểu như thế,nhẹ
nhàng như thế có nhiều trong mỗi bài thơ của “Chiều Đi”, khiến cho đọc “Chiều
Đi” ta thấy vẫn có lũ lụt, có mưa sa, có bão tố, có chia ly nhưng tâm hồn ta vẫn
như an trú vào nơi đồng cỏ xanh tươi mé nước tịnh bình.
“ Chiều Đi”,
một tập thơ dày với rất nhiều tuyệt tác mà thật tình tôi nghĩ với trình độ ai
cũng không diễn đạt hết những cái hay trong đó. Tôi không trích dẩn nhiều thơ
ông ra đây một phần vì khuôn khổ một bài đăng trên mạng không thể dài, một phần
vì tôi nghĩ nên giới thiệu sơ lược tổng quát một vườn hoa tươi đẹp để khách vào
thăm, hơn là ngắt một vàì bông hoa thì khách chỉ nhìn thấy những đóa hoa bị
héo. Tập thơ “ Chiều Đi” viết về cuộc sống, về niềm vui, về nỗi
thăng trầm của đời người, của tình yêu, của thời cuộc, của những nỗi
đau bệnh tật và nỗi đau do tha nhân đem đến. Dầu ở đề tài nào thì thơ Lê Đăng
Mành cũng tha thiết, trong trẻo, vô biên và quyến luyến. Thơ Lê Đăng Mành chứa
đựng đầy ắp tình người, tình quê với một nhân sinh quan thấm nhuần Phật pháp.
Mong rằng tập
thơ sẽ đến tay được nhiều người vì đọc nó ta tìm được một tâm hồn cao thượng
trong cuộc sống đời thường, một phong cách sống vượt trên mọi nghịch cảnh và một
triết lý cao siêu về sự giác ngộ phần hồn./.
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét